Hiện nay số người mắc tiểu đường đang ngày một gia tăng. Đây là một bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và điều trị bằng các loại dược phẩm kết hợp với chế độ sinh hoạt, ăn uống và tập luyện khoa học có thể cải thiện và kiểm soát bệnh hiệu quả. Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng dược phẩm trị điều tiểu đường để đạt được hiệu quả tốt nhất và hạn chế tối đa tác dụng phụ. 

1. Bệnh tiểu đường nguy hiểm như thế nào?

Trước khi tìm hiểu về dược phẩm trị điều tiểu đường, các chuyên gia sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin về tiểu đường và mức độ nguy hiểm của căn bệnh này:

- Bệnh tiểu đường có thể được phân loại thành một số loại như sau:

+ Bệnh tiểu đường type 1: Là những trường hợp cơ thể không thể tự sản xuất insulin hoặc bị thiếu hụt insulin vì những bất thường ở tuyến tụy. Để khắc phục tình trạng này, người bệnh cần được bổ sung insulin mỗi ngày.

+ Bệnh tiểu đường type 2: Là loại bệnh tiểu đường phổ biến nhất. Khi mắc tiểu đường type 2, cơ thể người bệnh vẫn sản xuất insulin nhưng không đủ do các bệnh lý mắc phải ở tuyến tụy hoặc cơ thể sản sinh ra các kháng thể kháng insulin, vì thế lượng đường trong máu vẫn tăng cao.

+ Bệnh tiểu đường thai kỳ: Là trường hợp phụ nữ bị bệnh tiểu đường trong thời gian mang thai. Bệnh thường xảy ra vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ.

- Bệnh tiểu đường là căn bệnh nguy hiểm vì số ca mắc bệnh ngày càng tăng, bệnh có xu hướng “trẻ hóa” và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn tới nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể. Đặc biệt, căn bệnh này không thể chữa khỏi, người bệnh sẽ phải chung sống cả đời với tiểu đường.

Một số biến chứng bệnh tiểu đường có thể kể đến như sau:

+ Biến chứng tim mạch như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim,.. có thể gây tử vong nếu không được kịp thời điều trị.

+ Biến chứng ở mắt: Lượng đường trong máu cao có thể gây tổn thương các mạch máu. Khi những mạch máu ở mắt bị tổn thương có thể gây ra một số biến chứng ở mắt như xuất huyết mạch máu đáy mắt, mắc bệnh võng mạc, suy giảm thị lực nghiêm trọng dẫn đến mù lòa.

+ Biến chứng thần kinh khiến người bệnh mất cảm giác ở tay, chân. Thậm chí, bệnh còn tăng nguy cơ viêm loét do chấn thương. Nếu để diễn biến nặng, người bệnh cần phải cắt cụt chân để khắc phục tình trạng này.

+ Biến chứng thận: Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao gặp phải các bệnh lý về thận, đặc biệt là bệnh suy thận, khiến những chất độc trong cơ thể không được đào thải, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh, cuối cùng có thể gây tử vong.

+ Biến chứng ở da: Người bệnh dễ bị mụn nhọt, tăng nguy cơ mắc bệnh bạch biến,…

2. Một số loại dược phẩm trị tiểu đường

Dưới đây là một số loại dược phẩm điều trị tiểu đường phổ biến hiện nay:

- Metformin: Đây là loại dược phẩm thường được dùng cho bệnh nhân mắc tiểu đường type 2. Tác dụng của Metformin là giảm lượng đường hấp thụ tại ruột, giảm lượng đường được sản sinh ra từ gan và đồng thời cải thiện độ nhạy của insulin. Kết hợp sử dụng Metformin cùng với chế độ ăn kiêng, có thể mang đến hiệu quả điều trị rất tích cực, lượng đường trong máu của người bệnh có thể giảm đáng kể.

- Sulfonylurea: Loại thuốc này điều trị bệnh bằng cách thúc đầy hoạt động của tế bào beta của tuyến tụy để tăng cường sản xuất insulin, giúp giảm lượng đường trong máu.

- Insulin: Tuyến tụy là nơi sản sinh ra insulin. Khi chúng ta tiêu thụ thực phẩm, insulin sẽ được giải phóng vào máu, chuyển các chất carbohydrate trong cơ thể. Đồng thời, chuyển hóa các mô mỡ và gan thành năng lượng phục vụ cho các hoạt động sống của cơ thể.

+ Người bệnh tiểu đường type 1: Cần được tiêm insulin mỗi ngày.

+ Người bệnh tiểu đường type 2: Cần điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện và bổ sung insulin khi cần thiết.

- Pramlintide: Đây là chất tổng hợp hormone amylin. Thường được tiêm dưới da với tác dụng giúp giảm lượng đường trong máu ở bệnh nhân tiểu đường type 1 và type 2.

3. Tác dụng phụ của thuốc điều trị tiểu đường

3.1. Gây hạ đường huyết

Các thuốc sử dụng điều trị tiểu đường đều có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu. Trong một số trường hợp người bệnh dùng sai cách đối với một số loại thuốc sẽ gây nên tình trạng hạ đường huyết thái quá - hiện tượng lượng đường trong máu giảm xuống quá mức bình thường. Nếu không có những biện pháp làm tăng đường huyết trở lại mức bình thường sẽ dẫn đến tình trạng mất ý thức nặng và hôn mê sâu.

Để tránh trường hợp bị hạ đường huyết cần tăng liều thuốc một cách từ từ, phân bố bữa ăn trong ngày sao cho phù hợp với liều lượng của thuốc, tránh ăn kiêng thái quá hoắc tập luyện quá sức.

Một số lưu ý để người bệnh không xảy ra tình trạng hạ đường huyết khi uống thuốc:

- Không sử dụng 2 loại thuốc cùng một nhóm vì có cùng cơ chế tác dụng. Có thể phối thuốc tác dụng chậm với thuốc tác dụng nhanh.

- Kiểm tra lượng đường huyết có trong máu trước khi uống thuốc để có những biện pháp phòng tránh kịp thời.

3.2. Tác dụng phụ lên gan và thận

Khi sử dụng thuốc trị tiểu đường còn có thể gây nên một số tác dụng phụ nghiêm trọng. Hai cơ quan ảnh hưởng trực tiếp từ thuốc trị tiểu đường là gan và thận. Trong đó gan có nhiệm vụ chuyển hóa và thận có nhiệm vụ thải trừ.

3.3. Dị ứng thuốc

Sau khi sử dụng thuốc trị tiểu đường bệnh nhân có thể bị dị ứng. Một số biểu hiện như nổi mẩn đỏ, mề đay, viêm,... Nếu tình trạng nặng có thể khiến bệnh nhân bị sốc phản vệ dẫn đến tử vong.

Trong trường hợp bị tình trạng trên cách xử lý đơn giản là ngừng sử dụng thuốc. Bởi nếu cứ tiếp tục sử dụng loại thuốc này thì dị ứng sẽ quay trở lại.

Bệnh nhân khi uống thuốc điều trị tiểu đường mà gặp phải tình trạng trên thì phải báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa để thay đổi đơn thuốc cho thích hợp. Không thể vì tiếc mà sử dụng tiếp tục loại thuốc đã gây dị ứng cho cơ thể.

3.4. Đầy bụng tiêu chảy

Metformin - glucophage là một trong những loại thuốc gây rối loạn đường tiêu hóa, lúc này bệnh nhân sẽ có triệu chứng đầy bụng và tiêu chảy.

Có thể giảm thấp liều lượng thuốc khi gặp tình trạng này, nhưng nếu không hết thì phải báo ngay cho bác sĩ để thay đổi đơn thuốc khác phù hợp hơn.

Tiểu đường là căn bệnh mãn tính và người bệnh phải xác định điều trị lâu dài. Do đó trong quá trình sử dụng thuốc cần phải cẩn thận để hạn chế những tác dụng phụ do thuốc gây ra. Nếu có biểu hiện bất thường thì cần báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự điều chỉnh đơn thuốc hay liều lượng thuốc.

4. Làm sao để đảm bảo an toàn khi sử dụng dược phẩm điều trị bệnh tiểu đường?

Khi sử dụng các loại dược phẩm điều trị tiểu đường, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Tuyệt đối không tự ý mua thuốc và dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Không mua theo đơn thuốc của người bệnh khác.

- Chỉ uống thuốc khi có đơn thuốc của bác sĩ. Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng thuốc và thời gian sử dụng thuốc. Không tự ý dừng thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

- Nên uống thuốc đều đặn và vào cùng một thời điểm trong ngày.

- Trường hợp quên uống thuốc, thì bạn nên uống thuốc ngay khi nhớ ra. Trường hợp đã sát giờ uống lều tiếp theo, bạn nên bỏ qua liều thuốc đã quên, tuyệt đối không tăng gấp đôi liều thuốc.

- Trước khi dùng thêm bất cứ một loại thuốc nào khác, bao gồm cả những loại thuốc không kê đơn, đều cần đến sự tư vấn của bác sĩ điều trị để hạn chế được những tương tác thuốc và những nguy cơ rủi ro không đáng có.

- Một số tác dụng phụ của dược phẩm điều trị tiểu đường có thể kể đến như tăng cân hoặc giảm cân, tiêu chảy, đầy hơi,… Khi gặp phải những tác dụng phụ hay những phản ứng với các thành phần của thuốc, bạn nên liên hệ ngay với các bác sĩ điều trị để được xử trí kịp thời.

- Khi bạn bị ốm, gặp phải các vấn đề về tâm lý,… lượng đường trong máu cũng có thể cao hơn bình thường. Đây là một cơ chế bảo vệ của cơ thể để chống lại bệnh tật. Vì thế, ngay cả khi không muốn ăn, bạn vẫn nên dùng thuốc điều trị để duy trì lượng đường huyết ổn định. Nếu đã dùng thuốc mà lượng đường trong máu vẫn tăng cao thì nên thông báo sớm với bác sĩ để được điều chỉnh liều lượng thuốc hoặc thay thế bằng các loại thuốc phù hợp.

Nguồn: ChoThuoc.com